Lịch sử

Upper page: Trang chủ

1964

Thành lập Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris
Quy chế được chính thức hoá ngày 30 tháng 11 năm 1964 nhưng cũng phải đợi đến cuối năm 1965, THSVVNP mới có được một nhóm điều hành vững chắc và thuần nhất trên đường lối chính trị.
Chủ tịch đầu tiên : Nguyễn Trọng Huân (đã qua đời)

1968

Hậu thuẫn cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà
Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris là đoàn thể thanh niên đầu tiên tại Âu Châu đứng lên kêu gọi cộng đồng tích cực hậu thuẫn cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà lúc bấy giờ đang tham gia các cuộc thương thuyết trong khuôn khổ cuộc Hoà đàm Paris nhằm giải quyết chiến tranh tại Việt Nam. Từ khoảng thời gian này, THSVVNP luôn luôn cố gắng giữ vai trò chủ lực trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Paris.

1973

Trại Hè “Nối Vòng Tay Lớn”
Trại hè “Nối vòng tay lớn” đưa nhiều sinh viên du học về thăm Việt Nam kết nghĩa với thanh niên trong nước và các chiến sĩ trong quân đội. Nhờ chuyến đi này, sau đó nhiều sinh viên đã trở về nước làm việc ngay khi học xong mặc dầu lúc đó tình hình tại quê nhà vô cùng rối ren.

1976

Đêm Hội Tết Bính Thìn 30.01.1976 : Ta còn sống đây
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu sự cáo chung của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và toàn thể lãnh thổ Việt Nam từ đó rơi trọn vào sự kiểm soát độc tài độc đoán của đảng cộng sản. Tại Pháp, nhiều người, nhiều hội đoàn vô cùng chán nản, nếu không ngả theo cộng sản họ cũng buông trôi, ngưng hoạt động. Trong không khí đen tối đó, lần đầu tiên tại hải ngoại, một tổ chức người Việt đã đứng lên hô hào tiếp tục chống cộng sản, phất lá cờ nền vàng ba sọc đỏ. Nhân Đêm Hội Tết Bính Thìn 30 tháng 1 năm 1976 tổ chức tại hội trường Mutualité, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đã mạnh dạn hô to lên “Ta còn sống đây !” và kêu gọi tập thể thanh niên sinh viên tiếp tục tố cáo lên án các hành vi xâm phạm nhân phẩm và những bất công, những tội ác của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam. Nhờ hành động đó mà các hoạt động hội đoàn được phục hồi trở lại dần dần và cho đến nay các cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn đứng ngoài sự kiểm soát của các sứ quán cộng sản Việt Nam.

1977

Thành lập Nhân Bản
Nhân Bản ra số đầu tiên đề ngày 1 tháng 4, 1977. Nhân Bản thay thế cho tờ Thông Tin Sinh Viên trước đó chỉ phổ biến giới hạn trong nội bộ Hội. Với sự ra đời của Nhân Bản, THSVVNP mong mỏi phổ biến tiếng nói của Hội rộng rãi hơn và thông tin cộng đồng người Việt kỹ càng hơn về các sự kiện liên quan đến đất nước Việt Nam cũng như đến người Việt ở hải ngoại.

Thăm viếng trại tỵ nạn
Trong nhiều năm trời, THSVVNP đã đưa ra nhiều sinh hoạt trợ giúp, ủy lạo đồng bào đến Pháp tỵ nạn. Một trong những kinh nghiệm thích thú và cảm động nhất có lẽ là những cuộc thăm viếng trại tỵ nạn tại ngoại ô Paris để sinh hoạt với các em bé vào mỗi sáng chủ nhật.

Tết Trung Thu
Cũng trong ưu tư hướng dẫn các thiếu nhi, THSVVNP đã quyết định tổ chức Trung Thu đầu tiên vào ngày 1 tháng 10 năm 1977 tại quận 14. Những năm về sau này, Tết Trung Thu được tổ chức trong quận 13 gần gũi hơn với tập thể người Việt. Qua các trò chơi, các cuộc hoạt náo, các em bé được dẫn dắt để hiểu biết hơn về văn hoá cũng như tiếng Việt của bậc cha ông.

1979

Thành lập Văn Đoàn Lam Sơn
Được thành lập để phổ biến các sinh hoạt văn hoá văn nghệ của Hội cũng như để khuyến khích giới trẻ trau dồi khả năng sáng tác văn nghệ, Văn Đoàn Lam Sơn đã mau chóng biến thành một cột trụ của Hội. Nhiều sản phẩm văn hoá, băng nhạc, tập nhạc, tập thơ, các sinh hoạt ca vũ nhạc,… đã tô điểm tiến trình hoạt động của Văn Đoàn. Một trong những thành công nổi bật nhất của Văn Đoàn là các băng nhạc Du Ca và Lam Sơn, trong số có cuộn Lam Sơn 2 được nhiều phụ huynh chú ý và hoan nghênh vì gồm toàn những bài hát được thực hiện cho thiếu nhi Việt Nam.

Trụ sở
Từ 1975, sau khi phải trao trả lại cho sứ quán Việt cộng hội quán ở đường Monge quận 5, THSVVNP phải dùng các địa chỉ cá nhân để làm trụ sở Hội. Sau một thời gian dài vận động, Hội được thành phố Paris cung cấp cho một căn nhà nhỏ ở số 51 đường Damesme quận 13 để làm trụ sở. Từ đó, THSVVNP có một cơ sở tương đối khang trang để hoạt động. Đến năm 1993, căn nhà “Damesme” bị đập phá, trụ sở Hội được dời đến một căn nhà khác ở đường Château des Rentiers cũng thuộc quận 13. Khi địa điểm này bị đập phá, căn nhà tại avenue d’Italie là trụ sở thứ ba THSVVNP mướn được của thành phố Paris. Đây là một sự kiện hiếm có trong cộng đồng người Việt tại Paris và chứng minh thành phố đã công nhận sự hữu dụng của Hội. Cơ sở chót này nằm trong một chung cư mới nên có nhiều triển vọng vọng sẽ lâu bền hơn hai nơi trước.

1980-1985

Trần Văn Bá, người chủ tịch anh hùng
Trong nhiều năm trời, anh Trần Văn Bá đã là một nhân vật rất tích cực trong sinh hoạt chính trị của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Trong cương vị chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, anh không ngớt khuyến khích các bạn hữu và giới thanh niên sinh viên bảo vệ chính thể Việt Nam Cộng Hoà. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, anh tiếp tục hô hào người Việt hải ngoại tranh đấu cho một đất nước Việt nam tự do. Anh không ngớt xông xáo để kêu gọi thế giới tự do hậu thuẫn các nguyện vọng Dân Chủ và Tự Do của người dân Việt.
Tháng 6 năm 1980, nhằm cho hành động phù hợp với lời nói,
Trần Văn Bá lên đường trở về quốc nội kháng chiến. Bị bắt vào cuối năm 1984, anh bị chế độ cộng sản lên án tử hình sau một phiên toà cấp tốc và ngụy tạo. Anh bị xử tử ngày 8 tháng 1 năm 1985.
Từ năm đó, ngày 8 tháng 1 là một thời điểm quan trọng trong đời sống Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Nhằm duy trì và phát huy tinh thần Trần Văn Bá, một trang Internet cũng đã được một số thân hữu của anh thực hiện : www.tranvanba.org.

_

tran_van_ba_2

_

1981

Cải tổ Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu. Thành lập Đoàn Thể Thao.
Từ năm 1964, các thanh niên Việt Nam tại Âu Châu có một điểm hẹn thường niên để tranh đua thể thao cũng như để gặp gỡ, trao đổi. Đó là Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu. Xây dựng dựa theo mẫu của Thế Vận Hội, Đại Hội Thể Thao quy tụ các phái đoàn người Việt đến từ khắp Âu Châu. Được tổ chức lúc ban đầu trong vài ngày nhân dịp lễ Phục Sinh, Đại Hội Thể Thao dần dần phát triển và được cho diễn ra trên nguyên một tuần lễ vào muà Hè, kể từ năm 1980 tại Genève, Thụy Sĩ. Đóng góp vào công cuộc canh tân phong trào Đại Hội Thể Thao, THSVVNP đã soạn thảo toàn bộ Quy Chế của Đại Hội Thể Thao và Quy Chế này đã được ban hành kể từ năm 1981 tại Liège, Bỉ.

Cũng trong tinh thần hiện đại hoá, THSVVNP đã cho ra đời Đoàn Thể Thao vào năm 1981. Tuy trực thuộc Ban Chấp Hành THSVVNP, cơ cấu này có một ban điều hành riêng rẽ và hoạt động như một câu lạc bộ thể thao của Pháp. Ngày 11 tháng 5 năm 1981, đội Bóng Chuyền của Đoàn trở thành câu lạc bộ thể thao gốc Việt đầu tiên ghi danh chính thức tham dự một giải thể thao do một Tổng Cuộc Pháp tổ chức.

1985

Đêm Văn Hoá tổ chức lần đầu tiên
Đây là cố gắng rõ rệt nhất của Tổng Hội nhằm giới thiệu văn hoá Việt Nam đến cộng đồng Pháp. Cũng vì vậy, các lời giới thiệu phần lớn được thực hiện bằng Pháp ngữ. Đêm Văn Hoá còn được tổ chức vào năm 1986 và 1988, cả 3 lần tại Palais des Congrès d’Issy les Moulineaux. Năm 1987, cùng với đài phát thanh quốc gia Radio-France và các cộng đồng Lào, Cam Bốt, hai đêm Văn Hoá đặc biệt diễn ra trên 2 ngày còn được tổ chức tại Maison de la Radio để gây sự chú ý của dư luận về số phận của các thuyền nhân Việt, Cam Bốt và Lào.

1987

Giải Vũ Cầu
Giải Vũ Cầu THSV được tổ chức lần đầu tại quận 17. Sau đó Giải được tổ chức nhiều lần tại Halle Carpentier thuộc quận 13 cho đến năm 1991. Đây là lần đầu tiên tại Paris, một hội đoàn Việt Nam đứng ra tổ chức một sinh hoạt thể thao lớn cho tất cả mọi người bất phân Pháp Việt. Nhờ các giải vũ cầu này mà Đoàn Thể Thao đã có một vị thế quan trọng đối với Liên Đoàn Vũ Cầu (Ligue de Badminton) của vùng Ile de France và được Sở Thể Thao cũng như các dân cử của thành phố Paris và quận 13 biết đến nhiều.

1996

Chương trình Asiathon
Nguyên tắc chương trình Asiathon là vận động các cộng đồng Á Châu và đặc biệt là cộng đồng Việt Nam ở trên nước Pháp thực hiện các sinh hoạt gây quỹ cho Téléthon, một chương trình vận động tài trợ cho các dự án nghiên cứu y khoa tổ chức tên bình diện nước Pháp. Có thể coi Asiathon là cố gắng đầu tiên của Tổng Hội nhằm chia sẻ các khó khăn của xã hội Pháp.

1997

Đại Hội Nhạc Trẻ Việt Nam Âu Châu
Đại Hội Nhạc Trẻ Việt Nam Âu Châu tổ chức lần đầu tại Paris tiếp theo Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu cũng tổ chức tại Paris. Đại Hội Nhạc Trẻ đã gây ra một ấn tượng rất tốt trong làng văn nghệ tại Paris. Ban nhạc thắng giải mang tên Saigon Band và đến từ Đức Quốc. Ngoài nhiều phần thưởng giá trị khác, Ban Nhạc còn được quyền thu miễn phí một cuốn Compact Disc phát hành đầu năm 1998. Tiếc rằng sau kỳ đầu tiên này, vì thiếu phương tiện tài chánh THSVVNP đã không tổ chức được một kỳ Đại Hội Nhạc Trẻ khác.

1999

Lễ Âm Nhạc
Nhân dịp kỷ niệm năm thứ 10 của Lễ Âm Nhạc, THSVVNP quyết định tham gia với một chương trình văn nghệ tổ chức trên vỉa hè ngay trước trụ sở Hội. Từ 19g đến quá khuya, chương trình phong phú và các khán giả cũng như nghệ sĩ hăng say đến nỗi buổi lễ phải khó khăn lắm mới chấm dứt ! Lễ Âm Nhạc đã tạo dịp cho THSVVNP hoà nhập nhiều hơn vào các sinh hoạt địa phương của quận 13 và chứng tỏ Hội là một đoàn thể năng động của quận.


Welcome , today is mardi, 19 mars 2024